Skip to main content

Chủ nghĩa biểu hiện Đức trong nền điện ảnh không chỉ là một xu hướng nghệ thuật mà còn mang đến trải nghiệm tinh thần sâu sắc. Làn sóng điện ảnh này với sức mạnh to lớn đã tạo nên một cầu nối giữa nghệ thuật và con người. Vậy chủ nghĩa biểu hiện Đức trong điện ảnh là gì? Chúng có những đặc điểm gì đáng kể ảnh hưởng đến khả năng truyền đạt của phim?

Chủ Nghĩa Biểu Hiện Đức
Chủ nghĩa biểu hiện Đức có sức ảnh hưởng lớn với nền điện ảnh thế giới

Chủ nghĩa biểu hiện Đức là gì?

Chủ nghĩa Biểu hiện Đức là một phong trào điện ảnh tiên phong nổi lên ở Đức vào đầu thế kỷ XX, đặc biệt là trong giai đoạn Thế chiến thứ nhất. Đây là một phần của một một trào lưu nghệ thuật lớn hơn, được gọi là Trường phái biểu hiện. 

Trong ngữ cảnh điện ảnh, trào lưu này được thể hiện qua cách ánh sáng, cảnh quay và diễn xuất. Những yếu tố này nhấn mạnh vào cảm xúc của nhân vật trong các tình huống. Điều này tạo ra những tác phẩm độc đáo, đầy ý nghĩa và góp phần làm phong phú thêm diễn ảnh thế giới. Đặc biệt, những bộ phim bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa biểu hiện còn sử dụng những hình ảnh biểu tượng, các kỹ thuật như chiếu sáng tương phản cao và góc quay không thông thường để tạo ra không khí bí ẩn và đôi khi là kinh dị.

Dù đã trải qua nhiều thập kỷ cùng với sự “nổi dậy” của nhiều trào lưu điện ảnh khác nhưng trào lưu này vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng. Có thể nói di sản của chủ nghĩa Biểu hiện Đức vẫn sống mãi qua những tác phẩm điện ảnh độc đáo và ảnh hưởng đến nền điện ảnh thế giới.

Lịch sử chủ nghĩa biểu hiện

Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Đức trở thành nước bại trận và đối mặt với nền kinh tế và quân sự suy thoái nặng nề. Xã hội Đức trong thời kỳ này đầy bạo động và thấp thỏm, là một nền văn minh đang mất kiểm soát. Giai đoạn này được biết đến là Thời kỳ Weimar (1918 – 1933), một thời đại đầy lo lắng, nỗi sợ, và bất ổn.

Chủ Nghĩa Biểu Hiện trong điện ảnh nảy sinh như một phản ánh chân thực của tâm lý và nỗi lo lắng của xã hội. Thay vì theo đuổi sự xa hoa và phù phiếm, Chủ Nghĩa Biểu Hiện tập trung vào việc khám phá những góc khuất đen tối trong xã hội, truyền đạt qua cảm xúc cá nhân và hình ảnh quái dị, kinh tởm, đáng sợ.

Trong lĩnh vực điện ảnh ở Đức, Chủ Nghĩa Biểu Hiện đã trở thành một trào lưu mạnh mẽ. Các nhà làm phim Đức đã áp dụng Chủ Nghĩa Biểu Hiện vào tác phẩm của họ, sáng tạo ra những thế giới tưởng tượng để ẩn dụ cho những vấn đề đen tối trong thế giới thực . Có thể nói rằng lịch sử của Chủ Nghĩa Biểu Hiện Đức trong nền điện ảnh gắn liền với tình hình xã hội và chính trị của Đức sau Thế Chiến Thứ Nhất. Nó phản ánh rõ ràng những khía cạnh tâm lý và cảm xúc của một thời kỳ loạn lạc và mất kiểm soát, góp phần làm phong phú thêm diễn ảnh thế giới.

5 đặc điểm của chủ nghĩa biểu hiện trong điện ảnh Đức

Chủ nghĩa Biểu hiện Đức phản ánh sự thấp thỏm, lo lắng và bất ổn trong xã hội, tạo ra những tác phẩm độc đáo với những đặc điểm ảnh hưởng sâu sắc đến điện ảnh hiện đại. Dưới đây là 5 đặc điểm chính của trào lưu điện ảnh này.

Sự chồng chéo với hội họa biểu hiện

Chủ nghĩa Biểu hiện trong điện ảnh Đức tận dụng yếu tố của trường phái nghệ thuật hiện đại để tạo nên những bức tranh chuyển động trên màn ảnh. Một số đặc điểm tương đồng của chủ nghĩa biểu hiện và trường phái biểu hiện là:

  • Những đường nét mang tính táo bạo, không giới hạn và đậm chất cá nhân. Ví dụ như trong The Cabinet of Dr. Caligari (1920), các đường nét của bối cảnh và nhân vật được vẽ nghiêng và méo mó, tạo nên một thế giới biểu hiện với sự táo bạo, phản ánh tâm lý không ổn định.
  • Sử dụng hình khối để tạo nên không gian và thị giác độc đáo. Các đối tượng, cảnh quay, và đặc biệt là bối cảnh được thiết kế theo kiểu hình học để làm nổi bật tính chất biểu hiện và cá nhân của tác phẩm. Ví dụ trong Metropolis (1927), các toà nhà và máy móc có hình khối đồng đều, tạo nên một thế giới công nghiệp có tính hình học rõ ràng, phản ánh tinh thần của thời kỳ công nghiệp hóa.
  • Nhấn mạnh tính chủ quan và cá nhân của nhà làm phim, tạo ra những tác phẩm phản ánh tâm trạng và quan điểm riêng. Ví dụ trong “The Last Laugh” (1924), F.W. Murnau sử dụng góc quay và ánh sáng để chuyển đổi quan điểm của khán giả, tạo nên một cái nhìn chủ quan và đôi khi chấn động đến tâm lý.

Bối cảnh siêu thực

Các nhà làm phim theo Chủ nghĩa Biểu hiện tạo ra bối cảnh siêu thực với các địa điểm và không gian có vẻ bị biến dạng, méo mó, tạo nên không khí kỳ lạ và buồn bã. Ví dụ trong Nosferatu (1922), ngôi làng và lâu đài nơi Count Orlok sống có kiến trúc và góc quay khó hiểu, tạo nên một thế giới huyền bí và đen tối.

Ánh sáng Chiaroscuro

Phong cách chiếu sáng Chiaroscuro không chỉ đơn thuần là kỹ thuật chiếu sáng, mà còn là một phần quan trọng trong việc tạo nên bản dạng hình ảnh và thể hiện tâm lý sâu sắc. Ánh sáng Chiaroscuro tập trung vào việc tạo ra sự tương phản cao giữa vùng ánh sáng và bóng tối để tạo ra những kết cấu mạnh mẽ và rõ ràng, thúc đẩy sự nhấn mạnh vào chi tiết quan trọng của hình ảnh. Ví dụ trong Nosferatu (1922), ánh sáng rực rỡ trên khuôn mặt của Count Orlok và bóng tối sâu đậm xung quanh tạo nên hình ảnh kinh điển của một nhân vật ma quái và đáng sợ.

Góc quay ấn tượng

Việc sử dụng góc quay không đối xứng không chỉ là một kỹ thuật quay phim, mà còn là một phương tiện mạnh mẽ để tạo ra cảm giác không ổn định, thể hiện tâm trạng đen tối và sự xáo trộn trong tâm trí nhân vật.

Máy quay có thể nghiêng, xoay hoặc di chuyển không đều, làm cho người xem mất cảm giác cân bằng và an ninh. Đi kèm đó là nền âm nhạc đen tối để phản ánh tâm lý đen tối của nhân vật. Ví dụ trong The Last Laugh (1924) của F.W. Murnau, góc quay không đối xứng được sử dụng để tăng cường cảm giác bất ổn khi nhân vật chính trải qua sự thay đổi về tình cảm và tình hình cuộc sống.

Chủ đề nham hiểm

Chủ nghĩa Biểu hiện Đức thường thể hiện sự lo lắng và bất an trong xã hội qua việc đề cập đến chủ đề giết người, điên loạn, đám đông hỗn loạn hoặc yếu tố kinh dị gây sợ hãi, trong đó:

  • Chủ đề giết người được sử dụng để làm nổi bật sự thất vọng và bất lực của con người trước những tình huống bi kịch. Ví dụ trong M (1931) của Fritz Lang, việc theo đuổi và truy bắt kẻ giết người tạo nên bức tranh đen tối về tội ác và lo lắng trong cộng đồng.
  • Chủ đề điên loạn thể hiện sự hỗn loạn trong tâm hồn con người, làm nổi bật sự đau đớn và mất kiểm soát. Ví dụ trong The Cabinet of Dr. Caligari (1920), bối cảnh với kiến trúc méo mó và nhân vật điên loạn thể hiện một thế giới nội tâm đầy sự lo lắng và hỗn loạn.
  • Chủ đề hỗn loạn thường xuất hiện để phản ánh sự xáo trộn và bất ổn trong xã hội Đức làm nổi bật tình hình khó khăn và lo lắng. Ví dụ trong Metropolis (1927) của Fritz Lang, hình ảnh về thành phố công nghiệp đầy máy móc và những người lao động bất lực là biểu tượng cho hỗn loạn và xã hội vụng trộm.
  • Chủ đề sợ gây sợ hãi với các yếu tố kinh dị để thể hiện sự lo lắng trong xã hội, tăng cường cảm giác sợ hãi. Ví dụ trong Nosferatu (1922), hình tượng ma cà rồng Count Orlok không chỉ là một biểu tượng của sự sợ hãi mà còn là hình ảnh của sự đen tối và mất mát.

Tham khảo thêm: Kịch Bản Là Gì? Những Nguyên Tắc Vàng Giúp Xây Dựng Kịch Bản Ấn Tượng

Chủ nghĩa biểu hiện Đức & dòng phim kinh dị

Sự quái dị, kinh tởm và đáng sợ là những cảm xúc mạnh mẽ mà Chủ Nghĩa Biểu Hiện Đức mang lại khi áp dụng vào điện ảnh với các chủ đề đen tối như: Giết người, điên loạn, hỗn loạn và sợ hãi. Điều này đã chuyển hóa vào dòng phim kinh dị, nơi mà sự kinh hoàng và đen tối trở thành trung tâm.

Những bối cảnh siêu thực và nghệ thuật Mise-en-Scène của chủ nghĩa biểu hiện của Đức đã tạo ra không gian đặc biệt với căn phòng méo mó, đường chân trời biến dạng. Điều này tăng cường sự ám ảnh và u ám. Đi kèm đó, phong cách chiếu sáng Chiaroscuro cũng tạo ra độ tương phản cao giữa ánh sáng và bóng tối, làm nổi bật những khía cạnh đen tối và sự nham hiểm trong dòng phim kinh dị. Đặc biệt, góc quay không đối xứng cũng phản ánh sự xáo trộn trong tâm trí nhân vật.

Chủ Nghĩa Biểu Hiện Đức
Chủ nghĩa biểu hiện Đức trong điện ảnh mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc

4 bộ phim đáng chú ý theo chủ nghĩa biểu hiện của Đức

4 bộ phim dưới đây đã mở ra một kỷ nguyên mới trong điện ảnh với chủ nghĩa biểu hiện Đức trở thành trung tâm.

Metropolis (1927)

Tác phẩm phim khoa học viễn tưởng xuất sắc của đạo diễn Fritz Lang mô tả một thành phố tương lai với kiến trúc ấn tượng, xây dựng trên thế giới ngầm đầy hang động. Đây không chỉ là một kiệt tác nghệ thuật và điện ảnh mà còn là tác phẩm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thể loại khoa học viễn tưởng và noir. Metropolis đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nổi tiếng sau này, trong đó có Blade Runner của Ridley Scott (1982).

The Cabinet of Dr. Caligari (1920)

Bộ phim câm của đạo diễn Robert Wiene được coi là bước tiến quan trọng trong lịch sử điện ảnh và cũng là một trong những tác phẩm kinh dị đầu tiên. Với sự thôi miên của Werner Krauss và diễn xuất ấn tượng của Conrad Veidt, The Cabinet of Dr. Caligari thu hút khán giả không chỉ bởi cốt truyện kinh dị mà còn bởi bối cảnh kỳ quái được thiết kế để tăng cường hiệu ứng tâm lý. Đây là một trong những tác phẩm nền tảng cho phong cách điện ảnh độc đáo và táo bạo của Chủ nghĩa Biểu hiện của Đức.

Nosferatu: A Symphony of Horror (1922)

Nosferatu của đạo diễn FW Murnau là một kiệt tác kinh điển được chuyển thể từ câu chuyện Dracula, mang đến một hình tượng ma quái khó quên. Max Schreck, trong vai Bá tước Orlok, tạo ra một hiện thân của ác độc. Cảnh Bá tước Orlok bò lên cầu thang trong bóng tối trở thành một trong những cảnh kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh kinh dị, với sự đạo diễn tinh tế của FW Murnau.

Sinh Viên Praha (1913)

Sinh Viên Praha là một ví dụ tiêu biểu của điện ảnh theo Chủ Nghĩa Biểu Hiện Đức do Stellan Rye đạo diễn. Bộ phim câm này kể về một chàng trai trẻ và một mụ phù thủy độc ác. Dưới sự đạo diễn của Stellan Rye và diễn xuất xuất sắc của Paul Wegener, Sinh Viên Praha không chỉ là một bước tiến trong thể loại kinh dị tâm lý mà còn là một tác phẩm độc đáo, tạo đường cho những phát triển mới trong điện ảnh kinh dị.

Tham khảo thêm: Phim Noir Là Phim Gì? 6 Bộ Phim Noir Kinh Điển Với Dấu Ấn Sâu Sắc

Chủ Nghĩa Biểu Hiện Đức đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử điện ảnh, đặc biệt là trong giai đoạn Weimar ở Đức. Những bước tiến đột phá và sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh đã khám phá những khía cạnh tăm tối và lo sợ của xã hội thời kỳ đó. Tham khảo thêm thông tin về các trào lưu điện ảnh khác tại filmmaking.vn!

Chào mừng bạn đến với Filmmaking! Tôi là Huyền Khánh, một sinh viên trường Sân Khấu Điện Ảnh. Nghệ thuật luôn tồn tại xung quanh chúng ta và không dành riêng cho bất kì một ai. Vì thế nên tôi ở đây, chia sẻ cho các bạn những kiến thức hữu ích về nghề mà tôi có được trong suốt hành trình của mình.